Về giải pháp kĩ thuật tu bổ di tích chùa Cầu (Hội An) sau khi hạ giải: Giới chuyên gia tập trung "bắt bệnh

VHO- “Vấn đề quan trọng cần tham vấn chính là xử lý tu bổ hay là thay thế các cấu kiện hệ thống dầm sàn, sàn chùa và sàn cầu. Qua khảo sát, đánh giá có khá nhiều sai lệch, kể cả những “khuyết tật” của vật liệu sinh ra, sự không ổn định của hệ thống sàn…”.

Về giải pháp kĩ thuật tu bổ di tích chùa Cầu (Hội An) sau khi hạ giải: Giới chuyên gia tập trung

 Các chuyên gia, nhà nghiên cứu khảo sát thực tế di tích chùa Cầu, sáng ngày 24.10

 Hôm qua 24.10, UBND TP Hội An (Quảng Nam) tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia, nhà nghiên cứu về dự án tu bổ di tích chùa Cầu, với sự tham gia của gần 70 đại biểu, các chuyên gia với nhiều ý kiến đóng góp quý báu đối với công tác tu bổ di tích đặc biệt này.

Nếu yếu tố mới làm suy giảm giá trị thì cần lược bỏ

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, sau một thời gian tiến hành thi công tu bổ, đến nay đã hoàn thành xong việc hạ giải công trình, gia cố phần móng và chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng nhất của dự án với không ít những khó khăn, vướng mắc nảy sinh cần phải giải quyết.

Qua thực tế triển khai tại hiện trường cả về mặt đánh giá cấu kiện cũng như phương án trùng tu, sử dụng nguyên vật liệu, màu sắc…, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ có những tư vấn nhằm đảm bảo tính chân xác, hợp lý và khoa học đối với dự án tu bổ chùa Cầu. Theo đó tham vấn ý kiến đối với từng vấn đề kỹ thuật cụ thể, củng cố các kết quả khảo sát, nghiên cứu, từ đó thống nhất, tạo sự đồng thuận về giải pháp kỹ thuật để tiến hành tu bổ, phục hồi di tích chùa Cầu đảm bảo theo quan điểm, nguyên tắc trùng tu. PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết, rất ủng hộ tinh thần của Hội An trong việc tham vấn ý kiến, vì đối với di tích kiến trúc gỗ mà chỉ khảo sát, nghiên cứu dựa trên hiện trạng không thôi là chưa đủ; không tiến hành hạ giải sẽ không phát hiện hết “bệnh” của di tích. “Rõ ràng, khi hạ giải sẽ có cái nhìn cụ thể, chi tiết hơn về hiện trạng của di tích so với chúng ta chỉ “khám bệnh” ở bên ngoài. Và chắc chắn rằng những vấn đề phát sinh sẽ không tránh khỏi được, đã phát sinh sẽ có cả những phát sinh về giá, số lượng vật liệu,… Nhưng cần phải chấp nhận nếu muốn công trình trùng tu kiến trúc gỗ vừa đạt được sự bền vững lại thực hiện được công năng ban đầu và có tính thẩm mỹ”, ông Bài nói.

Cũng theo PGS.TS Đặng Văn Bài, chúng ta cứ nói về vấn đề vật liệu, mấy loại kết cấu chịu lực phải thay bằng những vật liệu bền vững. Vấn đề là có nên quay lại hình dạng ban đầu hay chấp nhận dấu ấn của các giai đoạn phát triển đang hiện hữu trên di tích. “Tôi nghĩ di tích cũng có cuộc sống riêng của nó, có giai đoạn phát triển qua từng thời kỳ khác nhau. Có hai khả năng xảy ra, những cái tu bổ sau này có thể góp phần làm gia tăng giá trị của di tích, nhưng cũng có thể những phần tu bổ sau này làm suy giảm giá trị của di tích đi. Nếu như vậy thì phải tước bỏ cái đó để phục hồi cho di tích nguyên lại giá trị”, ông Bài nêu ý kiến. Một ví dụ là, vật liệu trước đây chỉ là vôi, vữa còn bây giờ là xi măng thì chúng ta phải quay lại vật liệu vôi, vữa cho đúng truyền thống. “Đối với kiến trúc gỗ, kiến trúc cổ không có một công thức vạn năng mà phải dĩ bất biến, ứng vạn biến. Ta giữ tối đa yếu tố nguyên gốc, giữ phần bổ sung sau này nếu nó làm gia tăng giá trị di tích, nhưng sẽ tước phần bổ sung sau này nếu làm suy giảm giá trị di tích”, ông Bài nhấn mạnh.

Về giải pháp kĩ thuật tu bổ di tích chùa Cầu (Hội An) sau khi hạ giải: Giới chuyên gia tập trung

 Du khách vẫn tham quan quá trình tu bổ di tích chùa Cầu

Vấn đề đáng lo ngại là hệ thống nền móng và các hệ thống kết cấu đỡ sàn

Theo ông Đặng Khánh Ngọc, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, những vấn đề bàn thảo tại tọa đàm được phát hiện trong quá trình đối diện thực tế sau hạ giải di tích nhằm tìm kiếm giải pháp kỹ thuật tối ưu để thực hiện công tác tu bổ. Cũng đã được trù liệu trong quá trình xây dựng các nội dung thiết kế, khi thiết kế đưa ra những giải pháp chuẩn cơ sở. Đối với di tích chùa Cầu, việc hạ giải giúp chúng ta có được điều kiện nghiên cứu một cách toàn diện, kỹ lưỡng, các vấn đề trù liệu bộc lộ rõ hơn.

Ông Ngọc cho biết, vấn đề đáng lo ngại trong công tác tu bổ di tích chùa Cầu hiện nay là hệ thống nền móng và các hệ thống kết cấu đỡ sàn, vì đây là hệ thống cơ bản nhất giúp cho công trình ổn định và đảm bảo, giữ cho phần thượng tầng kiến trúc bên trên đứng vững và phải được thực hiện cho đúng sơ đồ làm việc theo nguyên lý. Vì chỉ có như thế mới giữ được bộ khung cấu trúc của các kiến trúc bền vững theo thời gian, kéo dài được tuổi thọ của tất cả các cấu kiện. Hiện hầu như các cấu kiện đều đã có tuổi, có tật, có sự xuống cấp của thời gian, tác động của thiên nhiên, con người,… Vấn đề quan trọng cần tham vấn chính là xử lý tu bổ hay là thay thế các cấu kiện hệ thống dầm sàn, sàn chùa và sàn cầu. Qua khảo sát, đánh giá có khá nhiều sai lệch, kể cả những “khuyết tật” của vật liệu sinh ra, sự không ổn định của hệ thống sàn,… Lấy ý kiến chuyên gia là hết sức cần thiết, giúp cho đơn vị thi công, quản lý có phương án xử lý theo quan điểm đã đưa ra: Đối với chùa Cầu phải tiếp cận toàn diện, xử lý triệt để.

Các chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng như những chuyên gia bảo tồn hàng đầu của Việt Nam chia sẻ rất ấn tượng về dự án tu bổ di tích chùa Cầu, bởi vì dự án có được sự hợp tác rất hiệu quả giữa các chuyên gia quốc tế và trong nước, các đơn vị chức năng, các nhà khoa học,… Đánh giá cao việc sử dụng nhà bao che, quét mã QR khách tham quan có thể tìm hiểu trong quá trình trùng tu di tích là khía cạnh độc đáo, hiếm nơi có được. Đồng thời hy vọng tìm được sự đồng thuận, tiếng nói chung và sẽ có được những giải pháp thích hợp nhất để giải quyết những vấn đề phát sinh khác với thiết kế tu bổ đã được duyệt. Hy vọng chùa Cầu với tư cách là một di tích đặc biệt, sau khi tu bổ sẽ có một hồ sơ hoàn công trình bày qua ảnh, qua video, sách, báo và đặc biệt tổ chức truyền thông tốt thì di tích sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn.

Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, đơn vị được giao thực hiện quản lý dự án đã báo cáo các nội dung kết quả khảo sát, khảo cổ hiện trạng di tích, một số vấn đề liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án, tổ chức triển khai thi công cùng những nội dung, định hướng giải pháp, đề xuất cần tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý tại tọa đàm. Trong đó tập trung vào các vấn đề về kỹ thuật như: Kết quả khảo sát và đề xuất giải pháp tu bổ hệ đà dầm di tích; Tu bổ, phục hồi cấu kiện gỗ; mái ngói và các bộ phận trang trí mái; màu sắc hoàn thiện công trình; những phát hiện trong quá trình khảo sát và các giải pháp gia cố chắp nối cấu kiện gỗ, vật liệu gỗ...

Sau khi tham vấn ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế tại tọa đàm đối với từng vấn đề kỹ thuật cụ thể, củng cố các kết quả khảo sát, nghiên cứu, các đơn vị chức năng sẽ bàn bạc thống nhất, tạo sự đồng thuận về giải pháp kỹ thuật để tiến hành tu bổ, phục hồi di tích chùa Cầu đảm bảo theo quan điểm, nguyên tắc trùng tu để thực hiện các công việc tiếp theo,… 

 Đối với kiến trúc gỗ, kiến trúc cổ không có một công thức vạn năng mà phải dĩ bất biến, ứng vạn biến. Ta giữ tối đa yếu tố nguyên gốc, giữ phần bổ sung sau này nếu nó làm gia tăng giá trị di tích, nhưng sẽ tước phần bổ sung sau này nếu làm suy giảm giá trị di tích.

(PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI)

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc